Chùa Bái Đính Ninh Bình 2019: có gì mới, kinh nghiệm đi từ A-Z,...
Ngày: 09/04/2019 lúc 16:11PM
Chùa Bái Đính là một trong những địa điểm tâm linh thu hút du khách ghé tới ở Ninh Bình. Nơi đây không chỉ là một chốn linh thiêng mà còn mà còn gây ấn tượng bởi lối kiến trúc hoành tráng, nguy nga. Cùng Msquare.vn lưu ngay kinh nghiệm đi chùa Bái Đính Ninh Bình chi tiết và mới nhất 2019 dưới đây nhé!
A. Kinh nghiệm du lịch chùa Bái Đính Ninh Bình
1. Giới thiệu về chùa Bái Đính
Theo như sử sách ghi lại, Ninh Bình được xem là cố đô dưới ba triều đại nhà Đinh, Lê và Lý. Vì ba triều đại này thường rất quan tâm đến Phật giáo chính vì vậy mà ở Ninh Bình cho đến nay vẫn còn tồn tại rất nhiều ngôi chùa linh thiêng và cổ kính, một trong số đó không thể không nhắc tới chùa Bái Đính.
Chùa Bái Đính là một nơi linh thiêng và có ý nghĩa đối với lịch sử. Đây chính là nơi và thiền sư Nguyễn Minh Không phát hiện ra hang động và lựa chọn núi Đính làm nơi để xây dựng tượng Phật sau này là nơi tu hành. Không những vậy, trước khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân ngài đã lên núi Đính để lập đàn cầu tế mong cho quốc thái dân an và đánh thắng tan quân xâm lược.
Cho đến nay, quần thể chùa Bái Đính bao gồm một ngôi chùa cổ từ thời xa xưa và một khu chùa mới xây và được khánh thành từ năm 2003 với những công trình kiến trúc kì vĩ và được xem là một trong những ngôi chùa có nhiều "cái nhất" ở Việt Nam.
Có thể bạn không biết nhưng chùa Bái Đính là một ngôi chùa sở hữu chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Thích Ca cao nhất nặng nhất châu Á, bộ tượng Tam thế bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có hành lang La Hán lớn nhất Việt Nam, chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam…Quả xứng đáng là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước ghé tới thường xuyên.
Chắc chắn bạn sẽ phải choáng ngợp khi biết quần thể chùa Bái Đính Ninh Bình hiện nay có diện tích lên tới 1700 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, ngoài ra là các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh… và những công trình khác vẫn đang được tiếp tục xây dựng và mở rộng.
2. Chùa Bái Đính ở đâu? Hướng dẫn đường đi
Chùa Bái Đính tọa lạc ở ngay cửa ngõ phía tây của khu cố đô Hoa Lư Ninh Bình, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Từ trung tâm thành phố Ninh Bình tới chùa Bái Đính chỉ mất khoảng chừng 15km, cách khu du lịch Tràng An Ninh Bình khoảng chừng 4km về phía Bắc và cách Hà Nội khoảng 95km. Với lợi thế này đã giúp cho việc di chuyển tới Bái Đính vô cùng đơn giản.
Nếu bạn lựa chọn di chuyển bằng xe khách hoặc tàu hỏa thì sẽ dừng tại bến xe, ga Ninh Bình sau đó tiếp tục đi bằng xe taxi, xe ôm hoặc thuê xe để đến chùa Bái Đính. Ngược lại di chuyển bằng xe máy được xem là sự lựa chọn hàng đầu giúp bạn có thể dễ dàng cũng như thuận tiện hơn trong việc ghé thăm các điểm du lịch ở Ninh Bình nổi tiếng khác.
Từ Ninh Bình bạn có thể di chuyển bằng 2 cách. Cách 1: Từ Ninh Bình, đi theo đường vào khu đền thờ Đinh Lê. Khi đi đến cuối đường thì rẽ phải, sau đó đi thẳng một đoạn đến khi nhìn thấy con đê thì rẽ trái là có thể nhìn thấy chùa Bái Đính. Cách 2: Từ núi Kỳ Lân bạn đo men theo con đường bê tông sau đó rẽ phải và tiếp tục đi thẳng là đến chùa.
Sau khi đến chùa Bái Đính bạn có thể lựa chọn phương án đi bộ để vãn lại cảnh chùa hoặc đi bằng xe điện để tiết kiệm thời gian cũng như dưỡng sức bởi từ cổng chùa vào đến khu trung tâm dài khoảng chừng 3.5km đó!
Xem thêm: LƯU NGAY 20 khu du lịch Ninh Bình CỰC HOT không đi tiếc hùi hụi
3. Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra khi nào? Thời gian thích hợp đi chùa Bái Đính Ninh Bình
Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra vào những ngày đầu năm mới Âm Lịch khi mà đất trời đang nô nức đón xuân, tiết trời cũng bắt đầu trở nên ấm áp hơn, rất thích hợp để bắt đầu chuyến hành trình tâm linh của mỗi người. Lễ hội chùa thường bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết và đến mùng 6 thì tổ chức khai mạc sau đó kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động lễ và hội vô cùng đặc sắc.
Ngoài ra, nếu bạn không muốn chứng kiến cảnh đông đúc, chen lấn thì có thể ghé tới đây vào bất kì khoảng thời gian trong năm cũng đều lý tưởng. Đặc biệt, tháng 5, 6 tại đây là mùa lúa chín vô cùng đẹp mắt. Ba tháng cuối năm tiết trời se se lạnh cũng rất thích hợp.
4. Giá vé tham quan ở chùa Bái Đính
Hiện nay, chùa Bái Đính Ninh Bình không thu vé vào cổng thế nhưng do diện tích ở ngôi chùa này vô cùng rộng lớn chính vì vậy mà nhà chùa có các xe điện giúp du khách có thể lựa chọn và di chuyển đỡ tốn sức cũng như tiết kiệm thời gian. Giá vé xe điện là 30.000đ/người, nếu như bạn muốn đi bộ để ngắm cảnh chùa thì có thể vào cổng tự do.
5. Đi du lịch chùa Bái Đính cần chuẩn bị những gì?
+ Nước uống:
Vì diện tích của chùa rất rộng lớn chính vì vậy mà bạn sẽ phải di chuyển khá nhiều do đó đừng quên chuẩn bị cho mình nước uống để tránh bị mệt, nhất là khi đi vào những ngày hè nắng nóng.
+ Giày thể thao:
Do phải đi lại khá nhiều và hơn nữa đôi khi bạn sẽ phải đi qua những ngọn núi chông chênh chính vì vậy mà bạn nên chuẩn bị cho mình một đôi giày êm ái và chắc chắn giúp cho việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn nhé!
+ Tiền lẻ:
Vì là một địa điểm du lịch tâm linh và có nhiều ngôi chùa chính vì vậy mà khi ghé tới đây bạn có thể mang theo một ít tiền lẻ để đặt lễ cũng như công đức cho nhà chùa.
6. Đi lễ chùa Bái Đính nên cầu gì?
Vì chùa Bái Đính Ninh Bình là nơi thờ Phật Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt thể hiện sự bao dung, phổ độ chúng sinh của người trên thế gian chính vì vậy mà khi ghé tới đây bạn có thể cầu về sức khỏe và cầu xin cho công việc của mọi người thuận buồm xuôi gió, gặp điều bình an trong cuộc sống.
Xem thêm: Thung Nắng có gì đẹp? Cẩm nang du lịch Thung Nắng Ninh Bình từ A-Z
B. Du lịch Bái Đính Ninh Bình có gì đẹp?
1. Hành lang La Hán
Ngay từ khi đặt chân tới chùa Bái Đính, để di chuyển vào trong chùa chính bạn sẽ phải di chuyển qua dãy hành lang nơi có những bức tượng La Hán được tạc bằng đá nguyên khối do những nghệ nhân sinh sống ngay tại Ninh Bình chế tạc. Mỗi một pho tượng mang một thần thái, hình dáng khác nhau thể hiện các triết lý trong Đạo Giáo. Hành hàng La Hán này đã được ghi nhận là hành lang 500 vị La Hán dài nhất Châu Á và trở thành một niềm tự hào của người dân Ninh Bình.
2. Chuông đồng lớn nhất Việt Nam
Quả không hổ danh là ngôi chùa nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc bậc nhất Châu Á khi nơi đây còn sở hữu cho mình một chiếc chuông đồng nặng lên tới 36 tấn và chiều cao gần 7 mét trên thân chuông được chạm khắc bởi những chữ Hán và hình rồng nổi. Mới đây, chùa Bái Đính Ninh Bình còn xây dựng thêm một tháp chuông phía ngoài. Tháp chuông được xây dựng bằng xê tông giả gỗ hình bát giác với những tầng mái cong bên trên lợp bằng men Bát Tràng, nhìn từ xa tháp chuông mang dáng dấp của hình bông sen.
3. Bảo tháp chùa Bái Đính
Bảo tháp ở chùa Bái Đính chính là một công trình được nhiều du khách thường xuyên ghé tới để tham quan. Bảo tháp được xây dựng gồm 13 tầng với chiều cao lên đến 100m bên trong được trang bị thang máy và 72 bậc leo.
Đây cũng chính là nơi trưng bày xá lợi Phật được chuyển về từ bên Ấn Độ - mảnh đất quê hương Phật Giáo. Tuy nhiên, nếu muốn vào thăm quan Bảo Tháp bạn sẽ phải mua vé với giá khoảng 30.000đ/người và không được đi dép hay chân trần vào bên trong.
4. Tượng phật Di Lặc chùa Bái Đính Ninh Bình
Ghé tới ngôi chùa ở Ninh Bình nổi tiếng này nhất định bạn phải dành thời gian để chinh phục ngọn đồi cao nhất trong chùa - đây cũng chính là nơi mà bức tượng Phật Di Lặc với chiều cao hơn 10 mét được đúc bằng đồng trong tư thế hóa thân thành Hòa Thượng rất nổi tiếng.
Ngay gần chùa Bái Đính chính là Tuyệt Tình Cốc Ninh Bình - một địa điểm thu hút du khách ghé tới bởi vẻ đẹp chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.
5. Điện Phật Bà
Điều đặc biệt ở điện Phật Bà này chính là toàn bộ điện được xây đựng bằng gỗ, bên trong bao gồm 7 gian, ở gian chính giữa là nơi đặt tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay được đúc bằng đồng dát vàng với chiều cao gầm 10 mét và nặng hơn 80 tấn. Đây cũng chính là nơi được ghi nhận là "Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất Việt Nam".
6. Điện pháp chủ
Có lẽ điện pháp chủ là một công trình kiến trúc đồ sộ và hoành tráng nhất của ngôi chùa Ninh Bình nổi tiếng này. Toàn bộ điện pháp chủ được xây đừng bằng bê tông giả gỗ cao đến hơn 30m và có tổng diện tích lên đến 1945m gồm 2 tầng. Phía bên trong của điện pháo chủ là nơi thờ Phật Tổ với pho tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa sen và được xác nhận kỷ lục ”Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.
7. Điện Tam Thế
Một trong những nơi mà nhất định bạn phải ghé tới chính là điện Tam Thế - nơi đặt 3 pho tượng Tam Thế Phật ( tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai) được làm bằng đồng cao nặng 50 tấn. Được xác nhận kỷ lục: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”. Không những vậy, khu điện Tam Thế còn gây ấn tượng với lối kiến trúc nguy nga ngay từ bên ngoài với phần mái uốn cong tượng trưng cho hai cánh chim đang dang rộng để bay lên.
8. Vườn Bồ Đề
Chắc chắn bạn sẽ phải choáng ngợp và rất ngạc nhiên khi biết ở chùa Bái Đính Ninh Bình có một khu vườn Bồ Đề vô cùng lãng mạn và nên thơ. Được biết, vào ngày Đại Lễ Phật Đản năm 2008 100 cây bồ đề được chuyển từ Ấn Độ đã được đem trồng tại đây. Cho đến nay khu vườn bồ đề đã trở thành một những địa điểm được nhiều du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích.
9. Hồ phóng sinh
Hồ Phóng Sinh ở chùa Bái Đính Ninh Bình là một hồ vô cùng rộng lớn với tổng diện tích lên đến gần 5000m2. Trong hồ trồng hoa sen - loài hoa tượng trưng cho Đức Phật và cõi Niết Bàn. Hồ được thiết kế ở phía dưới, bên trên là chùa với những dãy núi hùng vĩ tạo nên cảnh “tiền thủy hậu sơn” tuyệt đẹp.
10. Chùa Bái Đính cổ
Sau khi tham quan hết các địa điểm của chùa Bái Đính mới, từ điện Tam Thế bạn di chuyển thêm khoảng 800 m về phía nam là có thể dừng chân tại Bái Đính cổ tự - một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Ninh Bình tính đến hiện nay. Chùa cổ được nằm gần trên đỉnh của ngọn núi chính vì vậy mà nơi đây khá yên tĩnh.
Bên trong chùa cổ gồm có một nhà tiền đường ở giữa, hai bên là một hang sáng thờ Phật, rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn và hang tối thờ mẫu và tiên. Được biết, ngôi chùa này đã có từ thời Đinh thế nhưng cho đến nay nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ và linh thiêng như thuở ban đầu.
11. Hang tối - hang sáng
Sau khi đi qua hơn 300 bậc thang bạn sẽ đến với cổng tam quan, nhìn sang bên ngã ba là một lối dẫn đến hang sáng và hang tối. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi ở hang sáng có đầy đủ ánh sáng tự nhiên chiếu vào, bên trong là nơi đặt tượng thờ Phật còn hang tối lại hoàn toàn ngược lại.
Tuy nhiên ở đây đã được bố trí đèn chiếu sáng tạo khung cảnh huyền ảo, ở chính giữa hang động là một giếng nước chính vì vậy mà khi tới đây bạn sẽ thấy vô cùng mát lạnh. Bên trong hang tối đặt tượng thờ mẫu và các vị tiên, nhiều tượng thờ được đặt sâu trong các ngách đá.
12. Giếng ngọc
Giếng ngọc nằm trong khuôn viên của Chùa Bái Đính cổ, ngay phía dưới chân ngọn núi Bái Đính hùng vĩ. Giếng được xây hình bán nguyệt với đường kính 30m, 4 góc của giếng là 4 lầu bát giác. Tương truyền, thời xa xưa thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước ở giếng ngọc này để sắc thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông chính vì vậy mà nơi đây đã trở thành một trong những địa điểm linh thiêng, đặc biệt, nước trong giếng có có màu xanh ngắt, sâu tới hơn 30 mét và không bao giờ có thể cạn hết nước.
Xem thêm: Review Hang Múa Ninh Bình mới nhất 2019: ở đâu, giá vé, có gì đẹp?
C. Các địa điểm tham quan khác ở gần chùa Bái Đính Ninh Bình
Sau khi tham quan và hành hương tại chùa Bái Đính linh thiêng bạn cũng có thể kết hợp chuyến đi của mình ghé tới một số khu du lịch khác ở xung quanh. Với lợi thế tọa lạc ở ngay trung tâm chính vì vậy mà việc di chuyển đơn giản hơn bao giờ hết.
Một địa điểm thường được nhiều người lựa chọn kết hợp trong chuyến hành trình của mình nhiều nhất có lẽ chính là khu du lịch Tràng An. Tại đây bạn sẽ phải di chuyển bằng đò trong khoảng từ 2 đến 3 giờ đồng hồ để tham quan các hang động cũng như khám phá hết các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất cố đô.
Nếu như bạn muốn tìm về một nơi yên bình, đậm chất làng quê thì Tam Cốc Bích Động Ninh Bình được xem là một sự lựa chọn hoàn hảo mà nhất định bạn không nên bỏ qua. Cũng giống với Tràng An, để khám phá hết vẻ đẹp của Tam Cốc thì bạn sẽ phải di chuyển bằng thuyền. Khung cảnh xung quanh nơi đây là những dãy núi hùng vĩ, những cánh đồng lúa vàng óng tạo nên một bầu không khí trong lành và vô cùng yên tĩnh. Thời điểm lý tưởng nhất để ghé tới đây có lẽ vào khoảng tháng 5,6 khi những cánh đồng lúa bắt đầu vào mùa chín.
Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo thêm một số địa điểm du lich, tham quan khác nổi tiếng ở Ninh Bình như:
D. Lưu ý khi đi du lịch Bái Đính Ninh Bình
Vì là một địa điểm du lịch tâm linh chính vì vậy mà khi ghé tới chùa Bái Đính Ninh Bình bạn nên lựa chọn những trang phục kín đáo, tránh hở hang. Ngoài ra, vì phải đi bộ khá nhiều chính vì vậy một đôi giày thể thao êm ái chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo mà bạn không nên bỏ qua.
Không nên xoa tượng hay khắc lên những bức tường, tượng Phật ở đây. Thay vì bỏ tiền trên các tượng Phật, bạn nên gửi tiền vào hòm công đức để tránh gây mất mỹ quan của chùa cũng như ngăn ngừa hành vi trộm cắp của kẻ gian.
Ở chùa Bái Đính có khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và đặc sản Ninh Bình. Tuy nhiên, giá ở nơi đây thường khá cao cao so với giá bên ngoài. Do đó, nếu bạn muốn tìm cho mình một đặc sản đem về làm quà cho người thân và bạn bè thì nên ra các khu chợ hoặc mua tại quầy hàng địa phương phía dưới chân núi nhé!
Trên đây là tổng hợp những kinh nghiệm đi du lịch chùa Bái Đính Ninh Bình chi tiết và đầy đủ nhất 2019. Hy vọng với những gợi ý trên sẽ giúp bạn có được một chuyến đi trọn vẹn và hoàn hảo nhất. Cùng tham khảo thêm những kinh nghiệm bổ ích khác nhé!
>> Xem thêm: [Từ A-Z] Kinh nghiệm du lịch phượt Ninh Bình tự túc 2019